KPMG không chỉ tập trung giúp các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mà còn chú trọng cả việc góp phần phát triển thị trường vốn Việt Nam, giúp các công ty Việt Nam tăng vốn, nâng cao chất lượng quản trị công ty, mở rộng ra các thị trường quốc tế, tìm kiếm khách hàng và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam. Ông John B. Harrison tỏ ý sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển, trong đó có việc hợp tác và trợ giúp UBCKNN, cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK Việt Nam.
Về phần mình, Chủ tịch Vũ Bằng giới thiệu khái quát với ông John B. Harrison và đoàn về sự phát triển của TTCK Việt Nam, đặc biệt là những thay đổi trong hơn 1 năm trở lại đây. Sau khi có sự chững lại và suy giảm do bối cảnh khủng hoảng kinh tế vào Quý I/2009, thị trường đã có những bước hồi phục kể từ Quý II với đà tăng trưởng về mức vốn hóa thị trường và tính thanh khoản. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sau khi có sự rút chạy vào Quý I/2009, cũng bắt đầu quay trở lại từ Quý II, và tiếp tục tăng trưởng trong các quý tiếp theo của năm 2009. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận rõ những thách thức vẫn tồn tại, đòi hỏi phải tiếp tục cải cách, đặc biệt từ sau khi chính phủ dừng gói kích cầu, đã bộc lộ những vấn đề kinh tế vĩ mô cần xử lý, như yếu tố lạm phát tiềm ẩn, hay vấn đề nhập siêu và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Trong năm 2010, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường, với việc sửa đổi Luật Chứng khoán; phát triển và hoàn thiện các thị trường; và cải thiện cung cầu thông qua việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, vốn bị chậm lại do khủng hoảng kinh tế. Việt Nam cũng sẽ phân loại các công ty đại chúng theo quy mô và mức độ đại chúng nhằm đạt được các chuẩn mực về kiểm toán, báo cáo tài chính, công bố thông tin, đảm bảo tính minh bạch…